Sức khỏe trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Không ai muốn con mình lớn lên với tuổi thơ đầy ốm đau, cũng không ai muốn thức trắng đêm vì lo cho con. Một trong số căn bệnh trẻ em dễ mắc phải kể đến là bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Vậy nguyên nhân xuất phát khi trẻ bị viêm mũi dị ứng là gì và cách chữa trị ra sao? Đừng bỏ qua bài viết này nếu bạn muốn dẹp đi nỗi lo lắng mang tên “viêm mũi”.
1. Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là tình trạng niêm mạc hay màng lót bên trong mũi bị viêm do dị ứng với các tác nhân bên ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamine gây ra triệu chứng ngứa, sưng tấy và tích tụ chất lỏng trong lớp niêm mạc mũi, xoang và mí mắt. Bệnh viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm tùy vào cơ địa của mỗi trẻ.
Xét về mức độ, nó không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại làm cho trẻ cảm thấy khó chịu. Tính đến lâu dài, nếu không được theo dõi và điều trị đúng khoa học, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản,…
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là một trong những bệnh dễ bắt gặp và phổ biến hiện nay.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể xảy ra vào bất kỳ mùa nào trong năm.
Đối với miền Bắc Việt Nam, đa phần bệnh thường trở nặng vào mùa xuân, mùa đông vì không khí quá ẩm thấp khiến nấm mốc dễ phát triển.
2. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi ở trẻ
Các nguyên nhân phổ biến của viêm mũi dị ứng bao gồm phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá và trở nặng khi thời tiết thay đổi. Nên tránh xa các chất gây dị ứng và sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng.
Thông thường sẽ chia thành 02 loại viêm mũi dị ứng cơ bản:
2.1 Viêm mũi dị ứng theo mùa
Trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa chủ yếu là do dị ứng phấn hoa, lông động vật. Sở dĩ như vậy là do chu kỳ sống của động thực vật thay đổi theo mùa, ở một số thời điểm nhất định như mùa đông, những thành phần gây dị ứng như phần hoa, lông động vật xuất hiện nhiều hơn nên dễ gây viêm mũi hơn. Với một số vùng ở miền Bắc, vào mùa đông thời tiết ẩm ương rất dễ gây nấm mốc, dẫn đến dị ứng và viêm mũi.
2.2 Viêm mũi dị ứng quanh năm
Viêm mũi dị ứng ở trẻ xảy ra quanh năm chỉ đối với những trẻ bị dị ứng bẩm sinh. Nếu trẻ có cơ địa nhạy cảm dị ứng với những tác nhân môi trường xung quanh không ổn định thì có thể mắc bệnh quanh năm. Buộc các bậc cha mẹ cần tìm ra chính xác nguyên nhân một cách nhanh chóng nhất để tránh trẻ tái phát nhiều lần.
3. Điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em rất thường gặp, một số trẻ có biểu hiện không rõ nên phụ huynh thường xem nhẹ loại bệnh này. Tuy nhiên nếu để tình trạng viêm mũi kéo dài mà không có biện pháp chữa trị kịp thời, sẽ để lại nhiều hệ quả xấu về sau.
Chính vì thế, khi phát hiện trẻ có một hay nhiều dấu hiệu viêm mũi dị ứng do thay đổi thời tiết đột ngột, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để nhanh chóng tìm ra biện pháp điều trị phù hợp. Đặc biệt, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc để chữa trị cho trẻ.
Hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Như không trồng hoa gần nhà, không cho chó mèo lại gần khu vực mà trẻ thường tiếp xúc, hạn chế để trẻ đến nơi khói bụi, ẩm mốc,…
Hiện nay trên thị trường có nhiều nhóm thuốc điều trị bệnh lý về mũi, được phân ra thành 2 loại chính: thuốc uống và thuốc dạng nhỏ xịt vào mũi.
Tham khảo thêm: >> Cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng bằng những nguyên liệu tại nhà >> Top 17 loại thuốc xịt mũi viêm xoang được sử dụng phổ biến hiện nay
3.1 Nhóm thuốc trị viêm mũi dị ứng dạng uống
- Nhóm thuốc uống kháng histamin (clorpheniramin, loratadine, cetirizin): Có công dụng trong việc điều trị viêm mũi dị ứng, hỗ trợ làm giảm nhanh triệu chứng ngứa mũi, nhầy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt. Tuy nhiên loại thuốc này không làm cho tình trạng nghẹt mũi được cải thiện.
- Nhóm thuốc uống kháng sinh: Chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa vì kháng sinh thực sự không tốt cho trẻ.
- Nhóm thuốc uống glucocorticoid: Nhóm thuốc nồng độ cao chỉ được sử dụng đối với các trường hợp lâu năm, mãn tính và yêu cầu phải có chỉ định từ bác sĩ.
3.2 Nhóm thuốc dạng nhỏ, xịt mũi
Các dạng thuốc nhỏ, xịt mũi rất được các gia đình ưa chuộng vì tính tiện lợi và hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, loại thuốc này không thực sự tốt nếu sử dụng cho trẻ nhỏ.
Thuốc co mạch nhỏ mũi dùng để thông mũi rất tốt nhưng theo chỉ định chỉ nên nhỏ trong vòng 7 ngày đối với người lớn. Các thuốc này mang nhiều các thành phần đặc trị cho chứng viêm mũi dị ứng như tetrahydroxyzin, oxymetazolin, xylometazolin, ephedrin, phenylephedrin và naphazolin.
Còn với trẻ em, khuyến nghị không nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này vì có thể gây ra các tác dụng phụ như choáng, tím tái. Cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thuốc nhỏ mũi hoặc phun xịt NaCl 0,9% giúp thông, sạch mũi.
Thuốc glucocorticoid xịt mũi có tác dụng điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em, có thể dùng lâu dài nhằm phòng ngừa bệnh.
Loại thuốc này gồm có 2 thế hệ có hiệu quả gần như nhau nhưng thế hệ thứ 2 có khả năng hấp thu vào cơ thể kém hơn thế hệ 1:
- Thế hệ 1: Flunisolide, triamcinolone, beclomethasone và budesonide
- Thế hệ 2: Fluticasone furoate, fluticasone propionate và mometasone furoate
Xem thêm các bài viết: >> [Top 9] Thuốc xịt mũi tốt nhất chữa viêm mũi dị ứng >> Tổng hợp tất cả các dạng thuốc viêm mũi dị ứng được dùng phổ biến nhất hiện nay
3.3 Các lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi cho trẻ em
Đối với thuốc có chứa Xylomethazoline hoặc Oxymethazoline chỉ nên dùng trong vòng 3-5 ngày, nếu kéo dài thì sẽ bị phản tác dụng dẫn tới bị nghẹt mũi nặng thêm. Đặc biệt lưu ý, thuốc xịt mũi cho bé có thành phần này chỉ cho các bé từ 6 tuổi trở lên.
Hầu hết các loại thuốc chính chữa viêm mũi ở trẻ em đều chứa corticoid cho nên bố mẹ nên lưu ý sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh bị tác dụng phụ.
Sử dụng đồng thời corticosteroid nhỏ mũi và rửa mũi bằng nước muối sinh lý là một lựa chọn điều trị hiệu quả viêm mũi dị ứng được dung nạp tốt ở trẻ em.
Điều quan trọng khác khi sử dụng là bố mẹ nhớ hướng đầu xịt ra phía ngoài để tránh làm tổn thương vách mũi của bé. Nhớ giữ đầu bé ở trạng thái cúi ra trước, không được ngửa cổ ra sau nếu không khi xịt thuốc sẽ bị chảy xuống họng.
Các thành phố lớn hiện nay đều gặp tình trạng ô nhiễm với bụi mịn, khói bụi phương tiện giao thông, nên khi về nhà bố mẹ nên lưu ý rửa và vệ sinh sạch sẽ lại mặt mũi của bé để tránh lưu lại các mầm bệnh từ bụi bẩn.
4. Một số cách phòng tránh viêm mũi dị ứng ở trẻ
- Dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ hàng ngày. Nước muối sinh lý có nồng độ sát khuẩn nhẹ, phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ. Phụ huynh nên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý sau khi đi ra ngoài về.
- Sử dụng máy giữ độ ẩm trong không khí đạt chuẩn nhằm tạo môi trường trong lành cho trẻ. Nếu gia đình không có máy giữ độ ẩm, phải giữ phòng ốc sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống lý tưởng.
- Với trẻ đang bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ nên dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi trẻ trước khi đi ngủ để dễ ngủ hơn.
- Nên hạn chế trồng hoa gần nhà, không nên nuôi chó mèo, hạn chế đến mức tối đa không để cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi.
- Cần đặc biệt chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ.
- Cần vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày nhất là trước và sau khi ngủ dậy. Tắm cho bé đúng cách và dùng nước ấm để tắm.
- Cần đưa trẻ đi khám sớm ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu bị viêm mũi để hạn chế các nguy cơ viêm phế quản và viêm phổi nguy hiểm cho con.
- Nhắc trẻ uống nhiều nước để giúp cho hệ hô hấp làm việc tốt hơn.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều rau và hoa quả tươi bổ sung vitamin, kết hợp giấc ngủ đủ giờ mỗi ngày sẽ chống lại tác nhân gây bệnh nói chung và viêm mũi dị ứng nói riêng.
Bài viết liên quan: >> Phân biệt viêm xoang viêm mũi dị ứng giống và khác nhau như thế nào? >> Cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiết khiến bạn không còn "khổ sở" mỗi khi giao mùa
Chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ
Sức khỏe của bé có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào nếu cha mẹ sơ suất. Vì vậy hãy luôn quan tâm tới con trẻ, thực hiện tốt quy định phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để xin lời khuyên của bác sĩ ngay khi có triệu chứng xảy ra, để viêm mũi dị ứng ở trẻ em không còn là nỗi lo của mỗi gia đình.
Cùng tham khảo thêm nhiều bài viết hữu ích khác cũng như những sản phẩm tốt cho sức khỏe gia đình tại website của Venus Global nhé!